Thứ Hai, 11 tháng 9, 2017

100 năm sau ngày mất của Hoàng đế Áo Franz Joseph Đệ Nhất (18/8/1830 - 21/11/1916)

Với 68 năm tại vị trên cương vị Hoàng đế nước Áo, Hoàng đế Franz Joseph Đệ Nhất đã trở nên biểu tượng của cả một thời kỳ lịch sử - Ảnh: Wikipedia

Ngày 21/11/1916, Hoàng đế Franz Joseph Đệ Nhất thức dậy từ 4h sáng và làm việc cả ngày dù ông bị cơn sốt cao hành hạ từ hôm trước. Chỉ tới 7h tối, vị hoàng đế của Đế chế Áo - Hung mới đứng dậy khỏi bàn làm việc để tới chiếc long sàng và như thói quen của ông, chuẩn bị đi ngủ vào 9h tối. Lo ngại trước sức khỏe đã rất yếu của vị hoàng đế ở tuổi gần đất xa trời mà vẫn ham công tiếc việc, vị bác sĩ của ông cất tiếng hỏi, “Ngày mai Hoàng thượng sẽ làm gì?”.

Hoàng đế nước (Áo, Hung, Bohemia, Croatia, Dalmatia) Franz Joseph Đệ Nhất trên khung cửa sổ màu tại nhà thờ Saint Barbara , Kutna Hora, Czech

“Ta sẽ dậy như mọi ngày thôi”, Hoàng đế Franz Joseph Đệ Nhất đáp rồi chìm vào giấc ngủ, nhưng ông đã nhầm và đó là những lời cuối cùng của ông. Một trong những vị hoàng đế có thời gian tại vị lâu nhất trong lịch sử thế giới (68 năm) đã vĩnh viễn ra đi vì tuổi cao và căn bệnh viêm phổi vào hồi hơn 9h tối hôm ấy tại cung điện mùa hạ Schönbrunn, cũng là nơi 86 năm trước đó ông cất tiếng khóc chào đời. Một thời đại trong lịch sử Áo đã lùi xa cùng cái chết của ông.

Cung điện Schönbrunn tại Vienna, Áo

Chân dung vị hoàng đế trẻ (năm 1848)

Ngày nay, tròn một thế kỷ sau ngày ông qua đời, có thể thấy hình ảnh của Hoàng đế Franz Joseph Đệ Nhất bàng bạc tại mọi ngả đường góc phố của Vienna. Không chỉ vô vàn những tòa nhà, kiến trúc của thời hoàng kim “Quân chủ Áo-Hung” ghi nhớ tên tuổi ông, mà chính người dân Áo hiện tại cũng vẫn mang trong lòng hoài niệm về một đại đế chế gắn liền với cái tên Hoàng đế Franz Joseph Đệ Nhất, khiến thủ đô của dòng họ Habsburg có cái gì đó “vương giả”, “hoàng gia” khác thường.

Cũng như các tên tuổi Wolfgang Amadeus Mozart, Maria Theresia, Johann Strauß..., biểu tượng của nền “Song quốc quân chủ” Áo - Hung Hoàng đế Franz Joseph Đệ Nhất đã trở thành một trong những ngôi sao sáng, biểu tượng của nước Áo, một quốc gia - bên cạnh sự tôn kính thỏa đáng - rất biết tận dụng những giá trị, những gương mặt lịch sử và văn hóa nổi trội của mình để biến họ thành “món hàng” sang trọng của nền văn hóa đại chúng toàn cầu.

Cặp vợ chồng trẻ Hoàng đế Franz Joseph Đệ Nhất và Elisabeth khi mới kết hôn (năm 1854) - Ảnh: Wikipedia

Tuy nhiên, Hoàng đế Franz Joseph Đệ Nhất trong mắt những “thần dân” Hungary của ông, thì lại khác. Mặc dù tôn kính và thậm chí có thể nói là sùng bái bà vợ ông, Hoàng hậu Elisabeth đến từ xứ Bayern, người phụ nữ đẹp nhất Châu Âu hậu bán thế kỷ 19, nhưng người Hung thoạt đầu đã coi Hoàng đế Franz Joseph Đệ Nhất như một tên đao phủ khát máu, và chỉ về sau, chủ yếu là khi Hiệp nghị Áo-Hung năm 1867 được ký kết, hình ảnh ông mới trở nên hiền hòa hơn, gần gũi hơn.

Hoàng đế Franz Joseph Đệ Nhất bước vào lịch sử của người Hungary ngày 2/12/1848, khi ông lên kế vị người bác, Hoàng đế Ferdinand Đệ ngũ bị buộc phải thoái vị trong cuộc cách mạng nổ ra mùa xuân năm ấy. Tuổi 18, ông đã phải đối mặt với sự vùng lên của cả một dân tộc sục sôi cho lý tưởng và mong mỏi độc lập: “Tổ quốc gọi người dân đứng lên đi! - Thời thế bây giờ hay chẳng bao giờ nữa - Thành người tự do hay mãi dân nô lệ? Các bạn ơi, hãy trả lời đi!” (*).

Vị hoàng đế trẻ trong bộ quân phục tướng quân của Hungary - Ảnh: Wikipedia

Khác với người bác bất tài và ốm yếu bệnh hoạn, không hề có chút khả năng trị nước, chàng trai Hoàng đế Franz Joseph Đệ Nhất đã tỏ ra quyết đoán và với sự hỗ trợ của quân đội Nga hoàng, đã chiến thắng cuộc cách mạng giải phóng dân tộc của người Hung. Vị hoàng đế cũng phải chịu trách nhiệm về chiến dịch đàn áp đẫm máu diễn ra sau đó, vì chính ông đã cắt cử vị tướng khát tiếng tàn ác Haynau lên cương vị Tổng chỉ huy quân đội Áo ở Hung.

Được nhìn nhận như kẻ đè bẹp cuộc chiến vì độc lập dân tộc, người gián tiếp phải chịu trách nhiệm về cái chết của 13 “liệt sĩ ở Arad” - các tướng lĩnh chính của Hungary - cùng nhiều binh lính Hung sau khi cách mạng 1848-1849 thất bại, Hoàng đế Franz Joseph Đệ Nhất trở thành kẻ bị thù ghét nhất ở nước Hung thời đó. Vị hoàng đế trẻ, vào thời điểm ấy, cũng tin rằng một quân vương giỏi không thể khoan nhượng và thương xót đám thần dân nổi loạn.

Nam tước Julius von Haynau, vị tướng khét tiếng tàn ác trong chiến dịch đàn áp các nhà cách mạng Hungary sau khi cuộc cách mạng 1848-1849 thất bại - Ảnh: Wikipedia

Tuy nhiên, những thất bại trong ngoại giao và những cuộc chiến ngoài lãnh thổ Áo, về sau khiến Hoàng đế Franz Joseph Đệ Nhất nhận ra rằng không thể tiếp tục cách trị nước trên cơ sở bạo lực. Một câu hỏi được đặt ra: làm sao cải tổ được Đế chế Áo để nó không tan thành từng mảnh trước sự căm thù của những dân tộc bị trị, đặc biệt là sau khi chủ nghĩa dân tộc lãng mạn bùng nổ ở Hungary vào cuối thập niên 40 thế kỷ 19. Lời đáp: phải nhượng bộ để bảo toàn.

Những nỗ lực của cả đôi bên Áo và Hung dẫn đến sự hình thành của Nền quân chủ Áo - Hung vào năm 1867, tiền thân đầu tiên của Liên hiệp Châu Âu, ngôi nhà chung của 13 dân tộc. Trong sự hòa dịu ấy, có vai trò không nhỏ của Hoàng hậu Elisabeth, được biết đến với cái tên thân mật Sisi, người phụ nữ có thiện cảm đặc biệt với nước Hung, người Hung, tương truyền là vì bà đã phải lòng Bá tước Andrássy Gyula, người bạn lớn hơn bà 14 tuổi.

Bá tước Andrássy Gyula từ một tử tù khiếm diện trở thành Thủ tướng Vương quốc Hungary - Họa phẩm của Benczúr Gyula

Vị chính khách lỗi lạc của Châu Âu hậu bán thế kỷ 19, Thủ tướng Vương quốc Hungary (1867-1871), Ngoại trưởng Đế chế Áo - Hung (1871-1879), được coi là một trong những người đàn ông điển trai nhất đương thời, đã bị kết án tử hình khiếm diện sau cách mạng 1848 và phải sống lưu vong - Bá tước Andrássy Gyula cũng là người chủ trì lễ đăng quang của Hoàng đế Franz Joseph Đệ Nhất trên cương vị Quân vương Hung tại Nhà thờ Mátyás trên Thành Cổ Buda.

Khoảnh khắc “vương miện thần thánh” của người Hung được Andrássy Gyula đội lên đầu vị hoàng đế Áo với sự chứng kiến của nàng Sisi xinh đẹp, trong tiếng kèn, tiếng hò reo của người dân và những tràng đại bác rền vang, có thể coi là một đỉnh cao trong sự nghiệp chính trị của Hoàng đế Franz Joseph Đệ Nhất, khi ấy đã sở hữu ghế hoàng đế Áo được 19 năm. Cho tới khi mất, ông còn tại vị ngôi Quân vương Hungary 49 năm, chỉ thiếu 1 năm là tròn nửa thế kỷ.

Lễ đăng quang của Hoàng đế Franz Joseph Đệ Nhất tại Nhà thờ Mátyás (Thành Cổ Buda). Bên phải ảnh là cảnh tượng Bá tước Andrássy Gyula giơ tay chúc tụng cặp vợ chồng Quân vương Hungary vừa đăng quang - Ảnh: Wikipedia

Đó cũng là chặng đầu tiên, nhưng hết sức quan trọng, trên con đường hòa dịu với người dân Hungary, để cuối cùng, không ít cư dân Hung coi Hoàng đế Franz Joseph Đệ Nhất là “người cha tốt bụng”, và ở một mức độ nào đó, bỏ qua những hằn thù. Sau Hiệp nghị 1867, khởi đầu một hệ thống chính trị Áo tuy không sám hối trước những tội ác trước đó, nhưng đã thỏa hiệp với nước Hung và cho phép phía Hung nhắc nhớ ký ức cuộc chiến vì độc lập dân tộc 1848.

Thời gian trôi qua, những nhà cách mạng thời 1848 cũng ra đi, và thế hệ trẻ Hung dần dần không còn lý do để hận thù Hoàng đế Franz Joseph Đệ Nhất. Đi vào lịch sử với tên gọi “thời hòa bình và hạnh phúc”, nửa thế kỷ của Nền quân chủ Áo - Hung cũng là những năm tháng thịnh trị nhất của hai đất nước cả về kinh tế lẫn văn hóa. Budapest trở thành một thủ đô tầm thế giới trong thời kỳ này, và vị hoàng đế Áo đã có vai trò không thể phủ nhận trong quá trình đó.

Khoảnh khắc thiêng liêng trong lễ đăng quang, khi Hoàng đế Franz Joseph Đệ Nhất làm nghi thức chém bốn nhát kiếm (như một lời hứa sẽ bảo vệ đất nước Hungary) tại chân Cầu Xích (Budapest) - Ảnh: Wikipedia

Những năm cuối đời, Hoàng đế Franz Joseph Đệ Nhất liên tiếp phải chịu những tang lớn trong gia đình. Con trai ông, Hoàng thái tử Rudolf tự sát năm 1889 cùng người tình 17 tuổi - nữ Nam tước Mary Vetsera - sau khi mối quan hệ vụng trộm này bị phát giác và gây bê bối lớn. (Cần nói thêm là trước đó, trong một thời gian, Rudolf đã đi lại với thân mẫu của Mary Vetsera và cái chết của ông cùng người tình trẻ cho tới giờ vẫn bị coi là có nhiều điểm mờ ám, chưa rõ ràng).

Vợ ông, Hoàng hậu Elisabeth, bị một tên khủng bố vô chính phủ người Ý đâm chết ở bờ hồ Geneva, Thụy Sĩ năm 1898. Từ khi mất con trai duy nhất, bà mẹ đau buồn đã không còn thiết gì chuyện triều chính và dành đa số thời gian cho những chuyến “vi hành” ngoại quốc trong bộ đồ tang đen. Cái chết bi thương của bà, trong một chừng mực nhất định, cũng góp phần khiến Sisi trở nên một cái tên rất nổi tiếng trong văn hóa đại chúng thế giới.

Nữ hoàng Elisabeth - Ảnh: Wikipedia

Trong cuộc đời dài của mình, chính Hoàng đế Franz Joseph Đệ Nhất cũng 7 lần bị các phần tử dân tộc chủ nghĩa mưu sát, trong đó vụ mưu sát năm 1910 có lẽ là đáng nhớ nhất: trong chuyến thăm Bosnia - Hercegovia, khi đó thuộc Đế chế Áo - Hung, ông bị một học sinh địa phương ngắm bắn ở khoảng cách rất gần, nhưng rồi - theo lời kể của chính đương sự về sau - gương mặt trang nghiêm của vị hoàng đế già đã khiến tay sát thủ phải chột dạ và không bóp cò.

“Đời không tha chúng ta gì cả” - hơn 15 năm sau những tấn thảm kịch gia đình, Hoàng đế Franz Joseph Đệ Nhất lại phải bật lời than vãn khi vào ngày 28-6-1914, những phát đạn của Gavrilo Princip, sinh viên người Serbia, thành viên một nhóm khủng bố dân tộc chủ nghĩa lại giết chết Hoàng thái tử Franz Ferdinand và Phu nhân tại Sarajevo, dẫn tới sự bùng nổ của Đệ nhất Thế chiến sau đó tròn một tháng mà vị hoàng đế Áo buộc phải là người ký tuyên chiến. (**)
Hoàng thái tử Franz Ferdinand và phu nhân (công chúa của Tiệp Khắc) tại Sarajevo, vào ngày 28 tháng 6 năm 1914. Vào buổi sáng hôm ấy chiếc xe của họ bị những tay đao thủ nổi tiếng từ xứ Serbia tấn công thuờng dân và quân . Vị vua và vợ của ông ra xe đang huớng tới nhà thuơng thăm những nguời bị thuơng (chiếc xe trong hình ) trên đuờng đi họ đã đối đầu với một nhóm khác cũng là dân Serbia và họ đã bắn ngay vị vua và vợ . Hai nguời đã chết liền ngay tại đó.  Ngày 28 tháng 7 năm 1914 Đệ nhất Thế chiến bùng nổ.

Hoàng đế Franz Joseph Đệ Nhất không đợi được tới ngày cáo chung của nền “Song quốc quân chủ” mà ông là một biểu tượng quan trọng cho sự trường tồn và vững mạnh. Hình ảnh của ông một thế kỷ sau ngày mất đã được “đẹp hóa” rất nhiều trong ký ức của hậu thế, như vũ điệu vanxơ thành Vienna huyền thoại hoặc hoài niệm về những năm tháng yên ả và đẹp đẽ của Đế chế Áo - Hung. Vậy Hoàng đế Franz Joseph Đệ Nhất là một vị quân vương như thế nào trong mắt các sử gia?

Hoàng đế Franz Joseph Đệ Nhất khi từ giã cõi đời - Ảnh: Wikipedia

Có thể bình tâm mà nói rằng, ông không đơn giản và đen trắng như một kẻ sát nhân hoặc một “cha già dân tộc”. Hoàng đế Franz Joseph Đệ Nhất không nhất thiết là một minh vương, nhưng là một hoàng đế có tính cách phức tạp, có tư duy và hành động quả quyết và trong mọi thời điểm đều đặt lợi ích của sự thống nhất Đế chế Áo lên hàng đầu. Tư duy của ông cũng có sự phát triển, trên nền tảng học hỏi không ngừng cùng khả năng làm việc chuyên cần ít ai bì được.

Một trong những di sản lớn và đáng nhớ của Hoàng đế Franz Joseph Đệ Nhất: Nền quân chủ Áo - Hung - Ảnh: Wikipedia

Du khách ngày nay tới thăm thủ đô Vienna, có thể vào thăm hầm mộ Hoàng gia ở ngay cạnh phố đi bộ và khu phố cổ trung tâm mua sắm nổi tiếng Kärntner Straße cách nhà thờ lớn Stephansdom dăm phút đi bộ. Hoàng đế Franz Joseph Đệ Nhất nằm đó, cùng người vợ mà ông từng có mối tình sét đánh thời gian đầu, Hoàng hậu Elisabeth, và người con trai xấu số, Hoàng thái tử Rudolf. Một góc đáng kể của nền văn hóa và lịch sử Áo, ngay nơi phố xá phồn hoa.

Nguồn: Vũ Ngọc Cân dịch./ NCTG

Chú thích: 
(*) xem thêm => Cách Mạng Hung Gia Lợi (Hungary) 1848 và thi phẩm xuất thần “Bài ca Dân tộc”
(**) xem thêm => Đệ Nhất Thế Chiến - Vào Cuộc
(**) xem thêm video =>  Sự khởi đầu của Đệ Nhất Thế Chiến


 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét