Thứ Hai, 11 tháng 9, 2017

Trung Quốc bá chủ ? - Châu Á đang giành vị trí trung tâm thế giới của châu Âu ? (phần 3)

Phần lll : Trung Quốc bá chủ ? 



Audio

Sau « Hiểm họa da vàng » và « Từ Thiên An Môn đến bức tường Bá Linh » trong loạt bài « Châu Á đang giành vị trí trung tâm thế giới của châu Âu ? » RFI tiếp tục giới thiệu phần cuối : Liệu Bắc Kinh trở thành bá chủ ? Ba nhà sử học Pháp Philip Golub, Pierre Glossier và Hugues Tertrais phân tích chiến lược của Trung Quốc « muốn theo con đường phát triển của Mỹ » để trở thành một siêu cường hoặc ít ra là ngang ngửa với Mỹ vào năm 2049.

Phần lll : Trung Quốc bá chủ ?

Câu hỏi đầu tiên là Trung Quốc ngày nay có hội đủ sức mạnh và ảnh hưởng của Mỹ sau Thế Chiến Thứ Hai ? Các sử gia Pháp cho là « không » :

Pierre Glossier : Không. Không. Bởi vì vào năm 1945, bối cảnh lúc đó rất đặc biệt : Hoa Kỳ hưởng lợi từ thế chiến tuy không cố ý.

Châu Âu suy sụp. Khủng hoảng bùng dậy tại Châu Á với cuộc nội chiến quốc-cộng tại Trung Hoa, trong lúc Nhật Bản suy tàn sau khi thua trận. Do vậy, ảnh hưởng bá quyền của Mỹ càng lan rộng vì không có đối trọng , trước mặt là khoảng trống.

Và cũng vì thế mà đến những năm 1973, 1974, bắt đầu xuất hiện hiện tượng tái quân bình một cách tự nhiên : châu Âu hồi sinh và trở lại bàn cờ ngoại giao . Tại châu Á, Nhật Bản cũng phục hưng. Hoa Kỳ tuy vẫn giữ vai trò nổi trội nhưng trên chính trường quốc tế, thế quân bình ít nhiều được tái lập.

Trung Quốc ngày nay có tiềm năng rất lớn nhờ nước rộng dân đông. Nhưng dự phóng tương lai không theo một phương trình đường thẳng. Ai biết chuyện gì sẽ xảy ra cho tương lai Trung Quốc? Làm sao xác quyết từ nay đến năm 2050 không có chuyện bất ngờ? Mà lịch sử của nước Trung Hoa cũng không phải là một dòng sông êm ả.

Câu hỏi duy nhất là Trung Quốc có đi theo con đường của Hoa Kỳ từ thế kỷ 19 hay không ? Chính quyềnTrung Quốc nghiên cứu rất kỹ lịch sử phát triển của nước Mỹ. Vào cuối thế kỷ 19, sức mạnh của Hoa Kỳ bắt đầu vượt trội, áp đảo các nước châu Mỹ và vươn lên thành đại cường thế giới. Liệu Trung Quốc có tham vọng đó hay không ? Có muốn một học thuyết Monroe tại châu Á để rồi áp đảo toàn bộ khu vực để làm cường quốc như Mỹ ? Có thể Bắc Kinh thực hiện hai mục tiêu này cùng một lúc. Ở châu Á, nhiều người dự đoán như thế.

Phần tôi, tôi nghĩ rằng mốc hẹn của Trung Quốc là năm 2049, nhân nước Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa đúng 100 tuổi. Đó là cơ hội để đảng Cộng sản Trung Quốc chứng tỏ thành công thay đổi hẵn bộ mặt Trung Quốc từ một đại quốc bị sĩ nhục thành một đại cường ca khúc khải hoàn.

Học thuyết Monroe, được tổng thống Mỹ James Monroe trình bày năm 1823, thể hiện mong muốn Hoa Kỳ « bảo trợ cho an ninh và ổn định tại khu vực Tây bán cầu » bảo vệ độc lập cho toàn châu Mỹ. Trung Quốc không đủ điều kiện để thực hiện học thuyết này tại châu Á, cũng không thể thống trị khu vực.

Sử gia Hugues Tertrais : Thấy được hay không tương lai Trung Quốc vào năm 2050 ? Tôi đồng ý là không thể dự phóng. Đành rằng xu hướng chung thì thấy được, nhưng làm sao đoán được những bất ngờ, vì « sự cố » tự thân nó không thể dự báo. Nói cách khác, Trung Quốc có thể trở thành một đại cường toàn thắng, nhưng cũng có thể ngược lại. Trước khi xảy ra chiến tranh Việt Nam thì ai tiên liệu có cuộc chiến này ?

Còn chuyện học thuyết Monroe châu Á, thì mô hình của Mỹ đã từng được nói đến. Trước hết, Nhật Bản sử dụng mô hình này thời chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Bây giờ người ta nói đến học thuyết Monroe của Trung Quốc . Nhưng theo tôi, Trung Quốc không thống trị được châu Á. Chúng ta đã thấy kinh nghiệm học thuyết Monroe của Mỹ thực hiện ở châu Mỹ : Washington không đô hộ khu vực. Tokyo cũng thế, không thống trị châu Á với học thuyết Monroe của Nhật trong thế kỷ 20. Bây giờ với Trung Quốc, tôi nghĩ là châu Á đang trên đà thiết lập một thế cân bằng mới, hơn là sẽ bị một thế lực bá quyền mới thống trị.

Thứ nhất, bởi vì Nhật Bản còn đó, Nhật Bản không có chết. Về phần Trung Quốc, họ đang « tìm một biên giới mới » mà chưa tìm ra. Giữa Trung Quốc và Nhật Bản, ai sẽ là đại cường thống trị châu Á ? Trong khi đó, trong khu vực còn một cường quốc khác đang trổi dậy, đó là Ấn Độ. Rồi Đông Nam Á, với 600 triệu dân, không phải là không đáng kể. Tuy là một nhóm với nhiều nước nhỏ, nhưng khối này cũng muốn có vai vế trong khu vực, nếu họ biết tận dụng sức mạnh đoàn kết.

Theo sử gia Philip Golub, Trung Quốc không có yếu tố nhân hoà và thời thế thuận lợi như Hoa Kỳ trong thế kỹ 19 và 20.

Philip Golub : Giới lãnh đạo Trung Quốc rất hài lòng khi liên tục được khen ngợi là đang bắt kịp Hoa Kỳ một cách nhanh chóng. Nước Mỹ phải mất cả thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20 mới phát triển thành một cường quốc kỹ nghệ. Tuy nhiên, khác với Mỹ, chính quyền Trung Quốc phải đối đầu với nhiều vấn nạn to lớn từ bên trong lẫn bên ngoài. Trung Quốc đứng trước những thử thách ghê gớm, từ ô nhiễm môi trường đến quy hoạch đô thị và phát triển thị trường nội địa. Nói cách khác, không thể so sánh Trung Quốc với Mỹ. Hoa Kỳ thành công chinh phục các cường quốc Tây Âu và một phần thế giới, trong khi đó tại châu Á, Trung Quốc phải đối đầu với Nhật Bản và với sức mạnh áp đảo của… Hoa Kỳ.

Từ thế kỷ 19, Hoa Kỳ đã là cường quốc quân sự ở Tây bán cầu. Thế kỷ 21 này, sức mạnh của Mỹ là vô địch trên toàn thế giới, vô địch ở châu Á Thái Bình Dương, vô địch ở trong vùng biển mà Trung Quốc gọi là « Nam hải ». Do vậy, các nhà lãnh đạo Trung Quốc phải suy nghĩ nhiều lần trước khi tranh giành vai trò số một của Mỹ.

Vấn đề là nước Mỹ của tổng thống Donald Trump co cụm kinh tế. Chính sách bảo hộ thương mại của Mỹ tác động gì đến Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và các tiểu long Đông Nam Á ?

Pierre Glossier : Donald Trump hiểu gì, không rõ ông ấy có hiểu, và muốn gì không phải là chuyện quan trọng. Điều cốt yếu là chính quyền Mỹ nói chung muốn gì. Người ta nói đến chính sách nào là co cụm, nào là điều chỉnh tình thế từ xa…Trên thực tế, một cách nhanh chóng, bộ quốc phòng và bộ ngoại giao Mỹ, nhất là bộ quốc phòng, vẫn ưu tiên thắt chặt các liên minh truyền thống để bảo đảm cho khối lượng hàng hóa xuất nhập khẩu trao đối với châu Á, cực kinh tế số một thế giới, được tiếp tục. Tuy Donald Trump bác bỏ Hiệp Định Thương mại Xuyên Thái Bình Dương TPP một cách hấp tấp, tôi tự hỏi ông ta ngày nay có cảm thấy hối tiếc hay không, nhưng Hoa Kỳ không có ý định bỏ châu Á, rút chân khỏi châu Á.

Tuy nhiên, để không bị rơi vào thế kẹt giữa Mỹ và Trung Quốc, nhiều nhà lãnh đạo trong vùng gia tăng các chuyến công du tìm đối tác mới, ký kết những thỏa thuận hợp tác kinh tế mới, để không bị rơi vào tình thế mà người Pháp gọi là « gom hết trứng vào một giỏ » hay bị lôi kéo vào cuộc xung đột tiềm tàng giữa Washington và Bắc Kinh. Chúng ta thấy, trong thời gian gần đây, Nhật Bản tìm cách cải thiện quan hệ với Trung Quốc, thủ tướng Shinzo Abe cũng nhiều lần gặp tổng thống Nga Vladimir Putin, Việt Nam cũng bắt đầu đối thoại với nhiều nước, Úc và Ấn Độ cũng liên tục trao đổi, thảo luận với nhau. Ba nước Nhật, Ấn, Úc cũng siết chặt quan hệ.

Nói chung, hình thức quan hệ lưỡng cực đối đầu Cộng Sản-Chống Cộng Sản của thời chiến tranh lạnh không còn thích hợp nữa, nhưng Hoa Kỳ vẫn luôn hiện diện trong khu vực. Sự hiện diện này còn một mục đích khác nữa là để Nhật Bản không lấy lý do quốc phòng để trang bị vũ khí hạt nhân. Vấn đề của Trung Quốc là làm sao không cho Mỹ triển khai sức mạnh quân sự, cho nên người ta thấy Bắc Kinh sử dụng lá bài Matxcơva để gây khó khăn cho Washington, trong khi Mỹ dùng bàn cờ Trung Á, nằm kẹt giữa Nga và Trung Quốc để kềm hai đối thủ này. Nhìn chung, sân chơi đang được mở rộng.

Theo sử gia Hugues Tertrais, tương quan lực lượng tại châu Á thay đổi không ngừng nhưng đó chỉ là hiện tượng nhất thời. Chiến lược của Mỹ vẫn bất di bất dịch.

Hugues Tertrais : Tôi cũng đồng ý là một thế cân bằng mới đang hình thành, nhưng Hoa Kỳ vẫn bám trụ tại châu Á chứ không đi đâu hết. Nhật Bản cũng thế. Sự kiện mới nhất là lần đầu tiên Trung Quốc phô trương sức mạnh quân sự. Cuộc diễn binh nhân 70 năm chiến thắng quân Nhật tại quảng trường Thiên An Môn là một hình thức biểu dương sức mạnh tiềm tàng, vì chưa bao giờ được sử dụng, là một sự kiện mang ý nghĩa quan trọng.

Điều này cho thấy là tương quan lực lượng ở châu Á đang thay đổi không ngừng tùy theo sức mạnh của mỗi nước. Tuy nhiên, phải phân biệt rõ các hiện tượng được nhìn thấy hiện nay với xu hướng trong tương lai. Chẳng hạn như về kinh tế, tổng thống Donald Trump gạt bỏ TPP, nhưng trên thực tế từ đầu thế kỷ 20, Hoa Kỳ luôn khuyến khích và ủng hộ doanh nhân Mỹ buôn bán với châu Á nhất là từ sau Thế Chiến Thứ Hai.

Tiếp theo là đến thập niên 1990, với Diễn đàn APEC và tuyên bố chung 1994 thúc đẩy mậu dịch tự do trong vùng châu Á Thái Bình Dương. Vì thế, tuyên bố của ông Donald Trump không ký TPP không có nghĩa là Hoa Kỳ xét lại chính sách tự do mậu dịch. Hoa Kỳ luôn là một đại cường trao đổi thương mại tiếp tục điều hành thế giới. Donald Trump nói gì thì nói, chúng ta phải phân biệt hiện tượng nhất thời với xu hướng chung , từ kinh tế đến quân sự.

Câu hỏi then chốt ở đây là trong bối cảnh Donald Trump bỏ TPP, rút nước Mỹ ra khỏi Hiệp Định Khí Hậu COP21, mở rộng đường cho Trung Quốc thao túng chính trường quốc tế, liệu Bắc Kinh có đứng ra lãnh trách nhiệm của một đại cường hay chỉ muốn duy trì nguyên trạng ?

Ý kiến chung của ba sử gia Pháp như sau :

Chưa biết là Trung Quốc có sẵn sàng khai thác cơ hội chiến lược và khoảng trống do Mỹ để lại hay không ? Phải chờ xem chính sách đối ngoại của Bắc Kinh trong những năm tới mới biết được.

Thái độ của tổng thống Mỹ đáp ứng nhu cầu ý thức hệ. Thành phần cực đoan nhất trong xu hướng dân tộc chủ nghĩa tại Mỹ tuy không đông, nhưng có mặt trong giới thân cận của Donald Trump, trong một số định chế, nhất là về an ninh quốc phòng. Nhiều lý thuyết gia của phe này cho rằng Hoa Kỳ cần phải can thiệp « đê điều, ngăn chận Trung Quốc » trước khi quá trể. Theo họ, không nên để cho Trung Quốc trổi dậy ở châu Á . Nguy cơ xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc là chuyện có thể xảy ra. Không phải chiến tranh toàn diện, nhưng có thể đụng độ tại Biển Đông. Bắc Kinh phải « xử lý » ra sao để đừng dẫn đến đụng độ, vì nếu xảy ra xung đột với Mỹ, kinh tế của Trung Quốc sẽ bị thiệt hại nặng.

Nhưng tại Mỹ cũng có một xu hướng thứ hai chủ trương nên cho Trung Quốc một chổ đứng, vì nếu tiếp tục can thiệp quân sự thì đến một lúc nào đó chính Hoa Kỳ sẽ bị hụt hơi và sẽ thua tại một nơi nào đó.

Trung Quốc cũng có lý do để không lợi dụng cơ hội Mỹ co cụm, bởi vì tình thế nguyên trạng hiện nay có lợi cho Trung Quốc, theo nghĩa Bắc Kinh giả vờ tôn trọng nguyên tắc kinh tế thị trường, nhưng bảo hộ mậu dịch để dành lợi thế làm giàu và gây tổn hại cho người lao động Mỹ.

Nói cho cùng, điều mà Hoa Kỳ và tổng thống Donald Trump thấy rõ và cũng là mục tiêu sâu xa là buộc Trung Quốc phải thực sự tôn trọng luật lệ và nguyên tắc kinh tế thị trường. Một khi Trung Quốc tuân thủ luật chơi quốc tế, thì Hoa Kỳ sẽ không còn bị Trung Quốc cạnh tranh bất chính. Tuy nhiên, nguy cơ xung đột trực diện với Mỹ là có thật, vì mọi nước, ở mọi nơi, không phải chỉ riêng Trung Quốc và ở châu Á, đều muốn phát huy ảnh hưởng.

Nguồn: RFI / Thanh Phương Tú Anh

Xem lại phần 1   => Thảm họa da vàng
Xem lại phần 2   => Từ Thiên An Môn đến bức tường Berlin

0 nhận xét:

Đăng nhận xét